Stress là gì, cách xả stress hiệu quả ai cũng nên đọc

Chủ đề về Stress không còn mới mẻ ở cuộc sống hiện đại ngày nay nữa. Điều đáng lo ngại là tình trạng căng thẳng stress ngày càng tăng cao. Và những người trẻ như chúng ta thường phải đối mặt với tình trạng này khá nhiều. Vậy stress là gì, làm sao để vượt qua được chúng?

I. Stress là gì?

Stress là một trạng thái căng thẳng về tâm sinh lý, ứng xử của một ai đó đối với mọi người xung quanh. Stress có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau như: thường lo toan, buồn bực, cáu gắt. Chúng được bắt đầu từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.

II. Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể thường xuyên căng thẳng?

Khi cơ thể thường xuyên phải chịu tình trạng căng thẳng kéo dài. Rất có thể cơ thể của chúng ta sẽ gặp những tình trạng, biểu hiện tiêu cực về cả tâm lý, thể chất, và cảm xúc.

Về thể chất: Tình trạng mất ngủ kéo dài, mệt mỏi, đau đầu. Đặc biệt ở một số người sẽ đau ở vùng cổ, vai và lưng; tim cũng đập nhanh hơn, đau ngực, thậm chí buồn nôn. Một số người nặng hơn có thể vã mồ hôi, chân tay run, trào ngược dạ dày.

Về cảm xúc và tinh thần: Stress kéo dài khiến cho khả năng tập trung bị giảm đi; trí nhớ cũng kém hơn. Bản thân thường xuyên cảm thấy lo lắng, bồn chồn, dễ nổi nóng.

Cách giảm Stress trong cuộc sống

Về hành vi: Dễ khóc, bất an, ăn nhiều hơn, một số người sẽ uống rượu bia, hút thuốc. Thậm chí có một số người đập vỡ đồ đạc trong nhà.
Đó là một số dấu hiệu mà cơ thể phản hồi thành biểu hiện khi mà chúng ta đang đối diện với tình trạng stress. Ngoài ra, một số người sẽ thường cắn móng tay, thường cảm thấy buồn ngủ hơn thường lệ.

III. Nguyên nhân dẫn đến căng thẳng stress

Với mỗi người sẽ có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress. Đó có thể là do thể chất, những trách nhiệm đối với gia đình, tổ chức, xã hội mà người đó đang gánh vác. Đó cũng có thể là do các mối quan hệ xung quanh chúng ta.

Nhưng nhìn chung, những nguyên nhân đó có thể gộp thành hai nguyên nhân chính đó là nguyên nhân chủ quan và khách quan.

  • Nguyên nhân khách quan: Do dịch bệnh, thất nghiệp, mất việc; mất mát người thân; môi trường sống, làm việc ồn ào, căng thẳng.
  • Nguyên nhân chủ quan: Do bản thân tự tạo áp lực trong công việc, cuộc sống; thường xuyên sử dụng các đồ uống có chứa chất kích thích.

Ngoài ra, làm việc quá sức, thiếu ngủ, nghĩ ngợi nhiều cũng là nguyên nhân thường khiến nhiều người trở nên căng thẳng hơn.

Nếu để cơ thể kéo dài trong trình trạng căng thẳng kéo dài thì cơ thể, cảm xúc của chúng ta sẽ trở nên tiêu cực, mất cân bằng. Làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, công việc. Vậy phải làm sao để tự vượt qua được giai đoạn stress?. Dưới đây mình sẽ chia sẻ đến bạn một vài gợi ý nho nhỏ. Hy vọng chúng sẽ giúp được cho bạn ít nhiều.

IV. Cách xả stress hiệu quả tại nhà ai cũng nên thử

Bản thân mình cũng gặp tình trạng stress trong một thời gian rất dài. Nguyên nhân chủ yếu đến từ công việc và do chính bản thân mình tự tạo áp lực cho mình.

Có những thời gian mình cảm giác mọi thứ xung quanh đều nhạt nhẽo, mình dễ nổi nóng với những người thân xung quanh mình. Thật tệ phải không?. Và khi ấy, mình cũng dễ khóc nữa.

Những cảm xúc tiêu cực theo mình một thời gian khá dài. Rồi đến một ngày mình cũng lên mạng đọc về cách xả stress, giải tỏa căng thẳng. Đọc miết, nghe hoài. Nhưng mình lại không thực hiện theo. Mình chỉ nằm lướt lướt, đọc đọc và nghe. Và tất nhiên rồi, mọi thứ vẫn vậy: KHÔNG CÓ GÌ THAY ĐỔI CẢ.

Sau cùng mình nhận ra, nếu chỉ đọc và nghe thôi thì không ăn thua. Chính xác là vậy. Nên là mình đã bắt tay vào thực hiện từng chút một, từng chút một. Dù là những điều tưởng chừng như không hiệu quả.

4.1. Dọn dẹp lại nhà cửa, sắp xếp lại đồ đạc

Nghe có vẻ rất thường tình. Tuy nhiên, nó lại rất hiệu quả. Đặc biệt là với những bạn nào ở một mình.

Sắp xếp lại đồ đạc trong nhà giúp tinh thần thoải mái hơn
Sắp xếp lại đồ đạc trong nhà giúp tinh thần thoải mái hơn

Mỗi tuần, mỗi tháng hãy dành một ngày nhất định nào đó để dọn dẹp lại nhà cửa, loại bỏ bớt những đồ thừa; sắp xếp lại tủ sách. Mình tin rằng sau khi căn phòng đã được làm sạch, tâm trí bạn cũng trở nên thoáng hơn.

4.2. Tập một môn thể thao nào đó

Nếu có thể hãy đăng ký đến phòng tập. Hoặc bạn cũng có thể đi bộ, chạy bộ, chơi cầu lông ở công viên gần nhà. Hoặc chơi môn thể thao bất kỳ nào đó mà bạn yêu thích.

Bởi khi cơ thể được vận động những lo toan, căng thẳng trong cuộc sống của bạn cũng sẽ được xóa dần. Thay vì nằm ủ dột nghĩ ngợi trong một góc nào đó thì việc buộc tóc lên cao, xỏ đôi giày và ra ngoài chạy bộ tinh thần sẽ thoải mái hơn đúng không?.

4.3. Suy nghĩ lạc quan

Mình rất hiểu rằng khi bạn đang stress mà bảo bạn rằng: “Này, nghĩ tích cực lên đi” thì chẳng khác nào câu cửa miệng mà dân mạng vẫn hay bảo nhau “Đừng nghèo nữa, giàu lên”.

Tuy nhiên, nếu như bản thân bạn không tự mình cứu mình, không tự mình cải thiện từ trong suy nghĩ thì người khác có muốn giúp bạn thì cũng chẳng biết nên giúp như thế nào.

4.4. Chọn cho mình một niềm vui nho nhỏ mới

Hẳn là trong sâu thẳm mỗi người đều có một đam mê riêng. Vậy thì giờ là lúc bạn cần dành thời gian cho chúng đấy. Mình thường dành thời gian mỗi tối để đọc sách, viết lách thay vì nằm lướt các mạng xã hội, suy nghĩ viển vông rồi lại buồn bã.

Viết lách giúp cảm xúc được giải tỏa
Mình chọn viết lách để “tự chữa lành”

Và mình tin rằng bạn cũng đang có trong mình những đam mê rất thú vị đúng không?. Còn chờ đến bao giờ nữa, hãy đắm chìm mình vào đam mê ấy, chúng sẽ giúp bạn được giải tỏa hơn rất nhiều đấy.

4.5. Thiết kế lại kế hoạch sinh hoạt, chế độ ăn uống, kế hoạch làm việc khoa học

Những lịch trình sinh hoạt, chế độ ăn uống hay lịch làm việc dày đặc cũng là một trong những nguyên nhân rất phổ biến khiến nhiều người gặp tình trạng căng thẳng.

Điều rất nên làm là bạn cần thiết kế lại cho mình lịch trình sinh hoạt, ngủ nghỉ, làm việc của bản thân. Bổ sung những loại thực phẩm giàu vitamin C, Caxi thay vì uống những thức uống có chứa chất kích thích.

Thức dậy sớm và đi ngủ trước 23h đêm sẽ giúp cơ thể bạn được điều chỉnh lại. Khi ngủ đủ và ngủ sâu giấc cơ thể bạn cũng trở nên mạnh khỏe hơn, tâm lý thoải mái hơn, bớt cáu gắt hơn.

Nhiều bạn làm nhiều dự án cùng một lúc, làm việc xuyên đêm kéo dài. Mình cũng có một thời gian như vậy. Ngủ muộn, dậy muộn, cảm giác ngày ngắn lại. Công việc cần phải giải quyết trong ngày không được nhiều.

Sau này, mình đã điều chỉnh lại bằng cách dậy sớm 5h sáng và cố gắng đi ngủ lúc 23h. Thay vì làm việc đến 2,3h sáng rồi dậy vào 8,9h sáng hôm sau. Sự điều chỉnh về thời gian làm việc này đã giúp mình làm việc hiệu quả hơn, cơ thể cũng thấy mạnh khỏe hơn. Mọi thứ trơn tru hơn nên mình cũng không còn căng thẳng nữa. Bạn có thể thử chúng xem sao nhé.

V. Nếu tình trạng stress căng thẳng kéo dài quá lâu phải làm sao?

Với mỗi người tình trạng căng thẳng có thể ngắn hoặc dài tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp tình trạng stress kéo dài quá lâu, bạn đang cảm thấy quá sức, bạn thường tìm đến cách tự làm tổn thương mình. Thì mình khuyên rằng bạn nên tìm đến trị liệu tại bệnh viện uy tín. Ở đó những chuyên gia y tế sẽ giúp bạn bằng cách đưa ra những lời khuyên, trị liệu hữu ích.

Trong cuộc sống căng thẳng là chuyện thường tình. Nhưng nếu chúng kéo dài và biểu hiện thành những triệu chứng tiêu cực, có những hành vi không tích cực lành mạnh thì chúng ta nên thử vài cách để điều tiết, kiểm soát lại chúng hoặc đến gặp bác sĩ chuyên khoa.

Cuối cùng, cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Chúc cho bạn sớm vượt qua được stress, và luôn cảm thấy tươi vui. Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích thì có thể chia sẻ chúng đến người thân của mình nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *